Sử dụng Mộc_nhân_thung

Một số ứng dụng

Môn sinh các hệ phái võ thuật có nhiều phương thức ứng dụng mộc nhân nhằm tập lực, tập phát kình, tháo lỏng, tập du đẩy và phá du đẩy. Các phương thức rèn tập với mộc nhân có thể là những động tác riêng lẻ hoặc tập hợp thành bài.

Bài Mộc nhân trang

Chiêu thức cổn thủ trên mộc nhân thung

Bài Mộc nhân trang hay Mộc nhân thung có thể coi là một bài quyền cao cấp của Vịnh Xuân quyền, chỉ dạy cho các học trò cao cấp[1]. Theo từng dòng phái, các bài Mộc nhân thung cũng có ít nhiều sự khác biệt. Bài của các dòng Vịnh Xuân Quyền Việt Nam bao gồm 108 động tác nên còn được gọi với tên Bài 108 (Nhất linh bát thức), ngoài số ít các động tác ứng dụng tấn pháp Chính thân kiềm dương tách bài thành 5 phần, bài bao gồm phần lớn các động tác lặp lại ở hai bên (tả hữu) với thế tấn Trắc thân kiềm dương; có 8 đòn cước pháp kết hợp thủ pháp, 8 thức cùi chỏ, và 8 đòn đánh gối.

Bài của chi phái Quảng Đông chia thành 2 phần với hơn 160 động tác, có 5 thế đá (Câu cước, Dịch đăng cước, Nguyệt ảnh cước, Hổ vĩ cước) và 1 thế đánh gối (Tất chàng phúc).

Bài của chi phái Diệp Vấn tại Hồng Kông chia thành 10 đoạn với 140 động tác khi được truyền dạy ở Phật Sơn, nhưng khi tới Hồng Kông ông rút xuống còn 108 động tác sau khi bỏ đi một số chiêu thức quá sát thủ, vài năm sau thấy không đủ nên ông lại nâng lên thành 116 động tác chia thành 8 đoạn. Bài có bao gồm tám thế cước (Trực đăng thoái, Hoành sanh thoái, Tà đà tất thoái, Thập tự thoái, Tiệt tảo thoái, Khấu đàn thoái, Tà đà cước thoái, Hoành đà tất thoái)[1]. Hiện nay bài Mộc Nhân Trang của Diệp Vấn, tuy hết sức phổ biến trong nhiều chi phái Vịnh Xuân trên toàn thế giới, đã hầu như thất truyền những tuyệt chiêu mà tổ sư đã không truyền dạy. Bài giúp môn sinh thực hiện toàn diện chiến lược công thủ phản biến. Trừ một số ít đòn thế áp dụng khi đứng tấn Chính thân kiềm dương, hầu hết các chiêu thức của bài được triển khai khi môn sinh chiếm giữ trung tuyến, dùng Tam giác bộ (bộ pháp tam giác với đỉnh là vị trí của người tập lúc khởi chiêu) di chuyển từ nội môn (phần thân nằm trong hai cánh tay trên) qua ngoại môn (phần ngoài hai cánh tay), tưởng tượng tránh đòn của đối thủ, sau đó tấn công vào bên hông mộc nhân.

Liên quan